RSS

Category Archives: Ấu niên ký sự bộ

Mình xưa nay không bao giờ ghi nhật ký cũng không thích chụp ảnh vì vốn tự hào về bộ nhớ của mình. Mình vốn cho rằng những gì đáng nhớ thì sẽ đọng lại trong lòng mình, những gì không đáng nhớ thì cũng không cần lưu giữ làm gì. Nhưng dạo gần đây, mình phát hiện, có một số việc, một số người mình tưởng không bao giờ quên nhưng thực tế đã quên. Hóa ra có những thứ mình đến một lúc nào đó không thể kiểm soát được nữa. Vì vậy mình muốn nhân lúc còn nhớ được gì thì ghi lại để sau này nói dại nhỡ có bị Parkinson còn có cái mà biết

P2 Ấu niên kí sự bộ: Vườn nhà_C1,C2

P2: Vườn nhà

C1: Cây trong vườn
    Hồi chưa làm đường ngã 5 sân bay Cát Bi(giờ là đường Lê Hồng Phong), nhà mình có vườn rất rộng, trồng cực nhiều cây ăn quả. Có điều rất lạ là cây cối trong vườn toàn cây dở dở, ương ương. Trong vườn có một cây bưởi nửa cây bình thường nửa cây hồng đào; có cây roi nửa quả dài; có cây táo nửa cây quả tròn, nửa cây quả dài; có cây hồng xiêm nửa cây quả hồng xiêm cát, nửa cây quả dài, thịt săn, rất ngọt, không biết giống gì; có cây xoài bên dưới bình thường, trên ngọn có một nhánh ra toàn quả nhỏ xíu, tròn vo. Có lẽ là tại phong thủy cũng nên. Vậy nên người trong nhà cũng toàn dở dở, ương ương.
C2: Truyền thống trồng trọt của gia đình
    Nhà mình có truyền thống thích trồng trọt. Bố mình rất thích trồng hoa và cây cảnh. Lúc nhà còn vườn rộng, chủ nhật nào cụ cũng đi chợ Hàng để xem có cây, có hoa nào hay ho, đèm đẹp lôi về trồng trong vườn.
    Chị Ngân có kể là một dạo bố trồng cả vườn hoa đồng tiền định bán lấy tiền(cái này gọi là nghệ thuật vị nhân sinh nha). Nhưng đáng tiếc đến lúc hoa nở thì gu của thị trường đã chuyển từ đồng tiền kép sang đồng tiền đơn. Cuối cùng, cả vườn đồng tiền kép của bố đành để đóng góp cảnh đẹp cho quê hương. Ngày xưa chưa có phong trào chụp ảnh bên vườn hoa chứ không thì nhà mình cũng vớt vát được chút tiền cho thuê vườn làm phông nền.
    Mối hận lớn nhất của bố mình là chưa ươm được chậu bạch trà nào. Hoa trà mua ngoài chợ Hàng cũng chỉ có mấy giống: trà thâm(màu hồng sậm), trà hồng phấn, bạch trà(màu trắng) chứ không có 72 loại như bạn Đoàn Dự bạn ấy tán. Trong đó bạch trà hơi khác với hai loại kia là lá và thân cây nhỏ hơn, khó trồng và khó có hoa. Nếu mua cây chưa có hoa thì có thể mua phải cây trà thâm còi. Mua cây có hoa rồi thì cũng chỉ thưởng thức được một đợt, sau đó mãi cũng chẳng có hoa. Cho nên bố mua hơn chục cây trà cũng chỉ giữ được 7,8 gốc mà toàn là trà thâm.
    Hồi ở nhà bên khu ruộng phần trăm(ở tạm lúc xây nhà bên lô 27, Lê Hồng Phong), bố ươm được mấy chậu trà trên sân tầng 2(toàn trà thâm). Đợt hoa nở, bắt mình mang cặp ghế với cái bàn nhỏ bằng mây ra sân. Sau đó hai bố con rung đùi ngồi uống trà ngắm hoa. Tao nhã thôi rồi. Khung cảnh lúc ấy mượn một câu thơ Madein China thì là “Phiêu hương tống diễm xuân đa thiểu”.

    Mình với bạn nhỏ Nghé thì không được nho nhã như thế. Những cây bọn mình thích trồng đều rất thực tế và gắn liền với sở thích ăn uống của bọn mình.
    Đầu tiên là ngô, cả hai đứa đều thích ăn ngô nên đã ươm một vườn ngô ở khe tường sau bể. Tại sao lại ươm ở đó là vì đấy là chỗ dễ rào lại nhất để tránh phá hoại của bọn gà. Một lần mình đã trồng hai luống tỏi nhưng khi lên được chừng một gang tay thì bọn gà phá rào chui vào làm thịt sạch sẽ. Hai đứa ươm tất cả 10 hạt, tất cả đều nảy mầm nhưng sống khỏe đến lúc to thì chỉ còn 7 cây. Đáng tiếc là cả hai đều không ăn được bắp ngô nào vì khe bể tuy dễ rào nhưng kín quá nên không có gió, toàn bộ bắp ngô đều không thụ phấn được, mãi mãi chỉ bằng ngón tay cái. Hồi đấy cũng chưa có phong trào ngâm dấm ngô bao tử, túm lại vứt đi.
    Sau vụ ngô thất bát nặng nề, hai đứa chuyển sang trồng mía. Trên nhà ông ngoại có hai khóm mía tốt um tùm, thân mập mạp. Nhìn mà phát thèm. Ăn ở nhà ông chưa đã, hai đừa còn hò nhau mang ngọn về nhà trồng. Tưới rất nhiều nước nha, không hiểu sao lại ra được ba cái nhánh còi cọc còn sâu lên, sâu xuống.
    Khoai lang thì mình dứt khoát không hùn với nó trồng vì mình biết thừa thành tích đào trộm khoai của nó.

 

P1 Ấu niên kí sự bộ: Những chuyện bây giờ mới kể của nhóc Nghé_C6

  (phỏng theo Những chuyện bây giờ mới kể của nhóc Nicolas)

  

C6: Lương Định Của thời đại mới

    Ngày ấy đồng chí Hoàng Diệp tức Nghé, học tập được đại ca Điệp mấy chiêu ăn vụng tinh túy nhất nên cũng đã có chút tiếng tăm trên giang hồ. Quả nhiên, danh sư xuất cao đồ. Không phụ kì vọng của sư phụ, Nghé thiếu hiệp còn phát huy tinh thần đạo tặc phái mà sáng tạo ra bộ ‘Ngọc thủ tâm pháp’ gọi nôm na là bàn tay vàng với 3 chiêu đã đi vào truyền thuyết.
    Đầu tiên là chiêu đào khoai lang học của đại ca Điệp đã được bạn nhỏ Nghé nâng lên tầm cao mới. Bằng chứng là bạn Điệp đào khoai lang lần nào cũng bị phát hiện do không vùi kĩ gốc khoai lại đào các gốc quá gần nhau nên bị héo cả vùng còn bạn Nghé nhà ta thì vùi cây rất kĩ, thậm chí tưới nước đồng thời phân bổ chỗ đào một cách rất khoa học nên chỉ khi thu hoạch mẹ mới phát hiện cây khoai trồng 6 tháng mà chỉ lên củ bằng ngón tay út.
    Chiêu thứ hai của bạn là chiêu “trộm đào dưới lá” (chiêu này bạn Ngộ Không mà biết chắc cũng vái cả nón). Số là nhà mình có một cây cam ở gần bờ giếng có quả to, đẹp mà lại rất ngon nên mẫu hậu chỉ định cam này dùng để cúng cụ, không đứa nào được sờ mó đến cây đấy. Cẩn thận hơn mẫu hậu còn mỗi ngày ra bờ giếng đếm xem có thiếu quả nào không (nghe giống chuyện cô Tấm ra chăm Bống ấy nhỉ). Ấy vậy mà bạn Nghé vẫn có cam ngon ăn đều. Tại sao mẫu hậu ngày nào cũng đếm cam mà lại không phát hiện ra. Xin thưa, đó là một bí mật suýt nữa thì bị thời gian vùi lấp. Cuối năm khi mẫu hậu trảy cam thì phát hiện ra rất nhiều quả cam ngon đều chỉ còn có một nửa phía trên gần cuống cam.
    Chẳng biết nhà nông học Lương Định Của khi biết xuất hiện giống cam mới madein Vietnam hình bán cầu thì có đạp mồ sống dậy mà thán phục tài năng trẻ Hoàng Diệp hay không chỉ biết lúc đấy mẫu hậu lôi ngay cậu ấm sứt vòi nhà ta vào nhà dùng đả cẩu bổng pháp hỏi thăm mông nhỏ tới tấp. Ngẫm lại thì đây cũng như một bước sáng tạo vượt thời đại vì kỹ thuật tạo hình quả phải chục năm sau mới xuất hiện ở Việt Nam với giống bưởi hồ lô và dưa hấu vuông.
    Kì thực, giống cam nửa quả tuy có sáng tạo nhưng hơi đi ngược với xu hướng thời đại, làm giảm năng suất thu hoạch nên tuyệt đối không có ích cho nền nông nghiệp nước nhà. Phát minh thực sự làm nên tên tuổi của bạn nhỏ Nghé phải nói đến giống đu đủ hai ngọn cho năng suất gấp đôi cây một ngọn. Ngặt nỗi phương pháp nhân giống hơi thủ công và biến thái chút. Đó là khi cây đu đủ cao khoảng 1m thì dùng dao nhỏ thật cẩn thận… chẻ đôi ngọn cây ra. Đừng tưởng đơn giản, chẻ thế nào cho đều, chẻ đến đâu thì đủ là cả một nghệ thuật và người chẻ đu đủ là nghệ sĩ. Về phần chỉ số chi tiết thì thuộc về vấn đề bí quyết gia truyền. Muốn biết ư, đưa tiền bản quyền công nghệ đây.

 

P1 Ấu niên kí sự bộ: Những chuyện bây giờ mới kể của nhóc Nghé_C 1,2,3,4,5

  (phỏng theo Những chuyện bây giờ mới kể của nhóc Nicolas)

  

C1:Tại sao cu Nghé lại được gọi là cu Nghé

  Giang hồ kể lại rằng lúc nó sinh ra béo trục béo tròn(thật ra bây giờ sau bao nhiêu năm nó vẫn tiếp tục béo trục béo tròn, tương lai còn trục còn tròn hơn nữa), da trắng tóc lại còn hoe hoe nữa, nhìn qua cứ tưởng tây lai. Nó có nhiều fan hâm mộ là các bà các cô sồn sồn lắm. Mẹ hay bế nó ra đầu ngõ, ai đi qua cũng nán lại sờ nắn một tẹo rồi xuýt xoa, giá mà đẻ được thằng ku thế này. Kể ra thằng ấy cũng coi như một dạng hot-boy, có điều bị lộ hàng hơi sớm. Lúc ấy còn mồ ma bà trẻ, bà thích nó nhất(chả bù với mình, chỉ muốn đạp nó ra khỏi cửa) suốt ngày bế nó cạnh cửa sổ ngồi hát:

Nghé bông, nghé hoa(chả là cậu chàng sinh năm Sửu mà)

Nghé trổ hai sừng

Ai mua chẳng bán

Ai dạm chẳng cho

  Thế là cái danh tự oanh liệt của nó đã ra đời một cách tình cờ và thật bất ngờ. Đến bây giờ thì trừ đám bạn học của nó chả ai nhớ đến cái tên cúng cơm mỹ miều của nó mà bố mình đã tra nát quyển sách mới ra: Hoàng Diệp tức là lá vàng để ghép đôi với lão anh là Hoàng Điệp là bướm vàng. Hai tên đầu trâu mặt ngựa có hai cái tên rõ diễm lệ nên thơ, thật là phí chữ phí nghĩa.

  Nhân nói chuyện đặt tên thì ngày xưa mình cũng tưởng bố mình là tín đồ của chủ nghĩa ‘Nghệ thuật vị nghệ thuật ‘, lúc nào cũng mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây nhưng sau này mới biết thực ra không phải. Đến tận khi lên đại học về bà chị mới bảo mình, trên trường bà ấy có cô bạn tên là Thiếu Ngân, chị ấy cứ ao ước tên là Thu Ngân giống chị mình có phải thích không. Thì ra bố mình cũng thực dụng ra phết.

  

C2: Thiếu niên xuất anh hùng

  Kể ra đến lúc này mà mình còn tiết lộ mấy chuyện cũ của nó thì cũng hơi bất nhân nhưng quả thật là nếu không kể ra thì thế gian sao biết được trên đời lại có một tài năng nở rộ sớm như vậy. Số là lúc đấy trên giang hồ lão Điệp đang có danh là Đệ nhất đạo thực, nói trắng ra là hay ăn vụng nhất nhà. Nhưng sau đó có một vụ mất trộm cá kho mà lão ấy thề sống thề chết là không ăn vụng. Nói cũng chẳng ai tin, nhà có 4 anh chị em, mình với chị Ngân thì nhân cách ngời ngời không ai nghi ngờ được còn nhóc Nghé mới 2 tuổi, nói còn chưa sõi, thử hỏi còn ai trồng khoai đất này nữa chứ.

  Sau đó vài hôm, nhà bổ quả mít, phần bố một góc để trong mâm. Trưa, bố đi làm về chưa ăn ngay mà lại đi ngủ trước. Đang ngủ thì nghe có tiếng lạch cạch, tưởng có chuột nên chỉ đập tay xùy xùy chứ không mở mắt. Được một lúc lại nghe tiếng lạch cạch, bực quá ngồi dậy thấy ông con quý tử đang cậy lồng bàn. Bố quát:”Nghé, làm gì thế”. Cu cậu lắp bắp bằng giọng chưa sõi:”Con… con bắt con chột”. Bố mình vừa bực vừa buồn cười gọi cả nhà vào xem.

  Trần Đăng Khoa 8 tuổi biết làm thơ mà tưởng đã kinh à, cu em nhà mình 2 tuổi đã biết ăn vụng, phải nói là thần đồng của thần đồng.  Cứ gọi là tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả, dưới gầm trời này, bổn công tử chính là thiên hạ vô địch, Đông Khê bất bại. (Đông Khê là tên phường mình ở lúc bé)

  Sau vụ này thì lão Điệp ngẩng cao đầu với khí thế của trung thần bị hàm oan, ấm ức bảo cá kho hôm nọ cũng là do nó đấy. Nhân đó từ đấy mà các vụ mất đồ ăn của nhà mình rất khó tìm ra thủ phạm mặc dù đã khoanh vùng đối tượng tình nghi.

  

C3: Cao thủ tình trường

  Chị Ngân có đợt ngồi với mình mà ấm ức bảo hai thằng nhà mình chỉ được cái thớt còn xấu xa đủ mọi bề thế mà sao chúng nó lắm gái theo thế, tao với mày toàn thiện, toàn mỹ thì lại ế chỏng chơ là sao. Ấy, chị đừng có vơ đũa cả nắm thế chứ, em là không nằm chung ranh giới với chị đâu, xui bỏ mẹ. Theo như bói toán 3 xu của bố thì chỉ có chị là ‘Đào Hoa cư Tí’ thôi nhá(hoa đào nở 12h đêm=>có ma nó xem=>ế), em mặc dù không được phong quang như thằng Nghé ‘Đào Hoa cư Ngọ’ nhưng hoa đào của em cũng nở vào khoảng 5,6 giờ chiều. Còn hi vọng, còn hi vọng.

  Mặc dù thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh như mình không tin vào bói toán, mê tín dị đoan nhưng mình cũng phải công nhận, bố đoán bậy thế mà trúng phết. Mình tổng kết thế này thì rõ nhá:

  +Lịch sử tình trường của chị Ngân: duy nhất đại học có mối tình chảy mủ với một anh Yên Bái hay Thái Nguyên gì đó bị bố mình đá đểu “lên đấy tha hồ mà hái chè bắt bướm nhá”. Sau đó, không ai hiểu vì sao tình yêu tan vỡ. Hôm họp lớp 10 năm về bà ấy thở dài bảo mình “vồ trượt con vịt béo”. Nghe nói anh kia làm giám đốc ở Hà Nội chứ cũng không về quê hái chè bắt bướm.

  +Lịch sử tình trường của cu Nghé:

    -Lúc hơn một tuổi: lúc ăn cơm nhất định phải đòi mẹ bế sang nhà em Hoàn ngõ đằng sau nhà mới chịu ăn. Hai nhà hí hửng bảo nhau, tôi với ông kết thông gia cũng được đấy nhỉ. Sau này em Hoàn lớn lên có hơi đen một tí thế mà nó nhất quyết phủ nhận đoạn tình duyên thanh mai trúc mã này. Cái thằng, bạc tình hơn cả Sở Khanh. Bố mình thì cứ ngồi tiếc mãi phần của hồi môn một sào ruộng với nửa con trâu mà mẹ em Hoàn hứa.

    -Lớp mẫu giáo 5 tuổi: ngày nào bà Ngân đưa nó đi học cũng phải đi qua cụm 2 đón thêm em Phương Thảo đi cùng. Mình còn nhớ là e này xinh nhất trường mẫu giáo hồi đấy

    -Lớp 5: Sinh nhật đòi mua bánh kem rồi mời duy nhất một em cũng tên Phương Thảo đến dự, giờ nhà vẫn còn ảnh em ấy ngồi cạnh cái bánh kem. Không hiểu nó kết cái tên Phương Thảo hay là dư âm của tình cũ.

    -Lớp 7:Hay đi ôn bài với em Vũ Yến Minh Đan Thanh. Chị nó là Vũ Điệp Hoàng Lữ Nguyên lúc ấy học cùng với mình. Mỗi lần chào cờ xướng tên hai chị em nhà ấy là cả trường ồ lên.

    -Lớp 9: Mỹ nhân trong bóng tối. Mình biết là do hồi ấy cứ thấy tủ sách nhà mình cứ mấy hôm lại thiếu một bộ truyện khác nhau. Cuối cùng mất hẳn bộ Aivanho, chắc chúng nó broken. Mịe, đồ dại gái, chia tay cũng phải đòi truyện về chứ, bộ ấy bây giờ đâu có bán bên ngoài.

    -Lớp 10: Chạy theo phong trào kết bạn bốn phương, thư hồng gửi về tới tấp. Mẹ mình toàn gọi mình ra đọc ké sau đó đem nhóm lò. Kể cũng hơi dã man.

    -Giai đoạn sau: mình đi học đại học nên không có thời gian theo dõi chiến sự  nhưng thấy các cụ bảo nó dắt hai em về giới thiệu chính thức. Số liệu còn lại thì có Chúa mới biết.

  

C4: Thiên hạ đệ nhất mối mai

  Nhân vì nó ỷ vào cái số Đào Hoa cư Ngọ mà nó thương cảm cho chị Ngân lắm lắm. Lúc chị Ngân đi làm được mấy năm, các bà cô rỗi việc cứ đòi làm mối cho chị thì nó cũng nhảy vào tham gia. Nó bảo các bà cô , tìm người đẹp trai làm gì, tìm chồng phải tìm người nhiều tiền, nó sẽ giới thiệu cho chị Ngân một anh mỗi ngày đi làm kiếm được một cọc tiền dầy thế này này. Vừa nói nó vừa dang tay mô tả cái cọc tiền tưởng tượng dài phải đến nửa mét.

  Lúc đó toàn thể quần chúng nhân dân tại hiện trường mắt chữ A, mồm chữ  O, đứng hình 5 giây. Cho dù trừ hao cái tính thích mô tả sự việc sinh động hơn mức cần thiết của nó(nói nôm na là bốc phét ý mà) thì chắc cọc tiền của anh chàng này cũng khá lắm đây. Thế là mọi người nhao nhao hỏi nó, thế anh kia làm gì mà có lắm tiền thế. Nó tỉnh bơ bảo, anh ấy bán kem ốc quế. Ặc, kem ốc quế lúc ấy 200đ một cái thì mỗi ngày đúng là phải được một cọc tiền dầy như thế thật.

  Bố mình quay sang bảo chị Ngân, chắc nó bán mày cho thằng kem ốc quế rồi. Chị Ngân cho đến hơn chục năm sau vẫn cay cú bảo, nó coi tao không bằng cái kem ốc quế.

(to be continued…)