RSS

[Sưu tầm] Gót chân Achilles

17 Th9

Cho ngày Hai mươi mốt tháng Chín.
Là cái ngày tôi đưa một cô gái đi lang thang quanh thành phố này từ sáng đến tối muộn, năm ấy thu về sớm.
Lúc đầu chúng tôi đi taxi đến một hiệu bánh, người chủ quán Gateaux hỏi tôi mua tặng sinh nhật cho người mấy tuổi. Tôi mỉm cười, cô gái của tôi cũng cười. Bánh mua để ăn, nếu thích thì cứ gọi nó là cái bánh sinh nhật. Sinh nhật của một điều gì đó đã sinh ra và mừng cho một thứ tốt đẹp hơn sắp lớn lên.
Ra khỏi hiệu bánh, chúng tôi đi bộ dọc một con phố trẻ mới có tên, đi mãi về phía bờ sông rồi rẽ phải để ra một cái ngã tư rất lớn của thành phố. Em vừa đi vừa bẻ cổ áo, chốc chốc lại nhìn tôi. Con sông chạy song song phố, những cây xà cừ trồng ngay bên bờ, lá khẽ reo nghe như người ta vặn nhỏ một bản nhạc dây không lời.
Tôi cô đơn như một căn nhà bỏ trống nhiều năm, những ý nghĩ cay đắng đan kín như mạng nhện trong ký ức. Dường như em đọc được một vài sợi nhỏ trong những chằng chịt đen tối ấy.
“Em thấy anh lạ lắm”
“Gì?”
“Cái kiểu cười ấy, có lúc vui thật, nhưng có lúc cười mà mắt anh nhìn chả có tia gì cả”
“Tia gì?”
“Tia của mắt ấy, mẹ em hay gọi thế. Nụ cười vui là phải có tia trong mắt”
Tôi bật cười vì cái cách diễn tả của em.
“Bánh ngon không?”
“Ngon, anh ăn mỗi một miếng thôi à?”
“Cái đấy là chạm răng thôi, anh không chịu đựng được ý nghĩ phải ăn một cái gì bé tí thế”
“Vậy sao không mua cái to hơn?”
“Chạm răng và nghĩ vẫn tốt hơn” – Tôi cười.
“Em không hiểu” – Cô gái nhăn nhó.
Chúng tôi ngồi ở điểm đỗ bus ba mươi phút, mỗi đứa một cốc trà đá đổ đầy im lặng.
“Đi đâu bây giờ” – Tôi hỏi.
“Đi chơi, đâu chẳng được”
“Rạp chiếu phim nhá, anh chỉ nghĩ được mỗi thế”.
“Thế anh hay đưa một cô gái đi chơi lần đầu đến chỗ nào?”
“Rạp chiếu phim…”
Bộ phim có tên là Troy, vừa mới được trình chiếu cách đấy ít hôm. Tôi như bị mê hoặc vì câu chuyện có nguồn gốc thần thoại Hy Lạp, một trong những chủ đề ưa thích từ bé.
Buổi chiếu phim kết thúc vào gần trưa, ra khỏi phòng chiếu tôi bắt đầu khoác tay cô gái. Em không phản ứng gì, chỉ chốc chốc lại nhìn tôi rồi đưa tay phải lên bẻ đi bẻ lại cái cổ áo bên phải.
“Bộ phim hay em nhỉ. Mười năm chiến tranh vô nghĩa. Anh thấy hai mối tình trong ấy đều đáng trân trọng”.
“Vâng, nhưng em chỉ thấy một cái nổi bật nhất đáng nhớ…”
“Gì?”
“Những người anh. Bộ phim của những người anh, có thể nói như vậy. Cả Hector và Achilles đều vì em mình mà tham gia cuộc chiến, rồi cũng vì em mình mà chết”.
Tôi im lặng, ừ nhỉ, tôi không nghĩ ra, cái này mới đáng nhớ…
“Gót chân Achilles của anh ở chỗ nào?”
“Em định mách cho một chàng Paris nào đó bắn chết anh à?” Tôi bật cười.
“Không, em sẽ giữ cho anh”.
Tôi giữ chặt bàn tay em.
Ăn trưa xong, chúng tôi lên xe bus và đi ra ngoại thành, những dãy phố chiều loãng dần và tan ra vào bầu không, chỉ còn lại một con đường nhựa vắng. Dọc hai bên là cánh đồng mùa thu với những gốc rạ còn ướt. Chúng tôi đi sát vào nhau như đã là một đôi từ thuở nào.
Em kể về mọi thứ của tuổi thơ và về mẹ. Tôi phát hiện ra em rất giỏi diễn tả mọi thứ trong ký ức. Đến giờ tôi vẫn nhớ một trong những câu chuyện của em hôm ấy, về một người đàn ông kinh khủng. Đó là người bạn thân của cha em, hắn rất nhẹ nhàng và đặc biệt quý chó. Lần nào đến nhà em chơi cũng có quà cho bọn trẻ con và không quên vuốt ve con chó mỗi khi ra về. Một lần mùa đông hắn đến nhà vào lúc nửa buổi sáng, cả nhà đi vắng chỉ còn lại em và con chó vàng. Gã đàn ông bốn mươi tuổi ngồi chờ cha em rất lâu, rồi hắn đi vào bếp cầm thêm mấy cành củi giúp em gầy vào cái bếp đang cháy. Một lát hắn vuốt tóc em, rồi cầm tay. Em bé chín tuổi bắt đầu linh cảm thấy sự nguy hiểm, nhưng không biết làm cách nào thoát ra được, hệt như người ta bị bóng đè mà không thể tự mình chạy thoát khỏi cơn ác mộng giữa đêm. Thế rồi hắn hứa sẽ mua bánh cho em mỗi ngày…Đúng lúc hắn nắm chặt tay và định bế em lên thì bé bạn thân bên nhà gọi cổng…
Ơn Chúa, tôi nghĩ, nếu một đứa trẻ chín tuổi với tâm hồn quá đỗi nhạy cảm như em phải đối mặt với những vết thương để lại khi chuyện ấy xảy ra thì sao nhỉ? Tôi khẽ rùng mình…
Rồi em kể về mẹ. Một người phụ nữ đẹp và nhiều nghị lực nhưng sau nhiều năm làm việc lao động xuất khẩu, bà đã có một người đàn ông khác ngoài cha em. Lúc đầu chấp nhận điều đó với em thật khó khăn, nhưng rồi khi đến tuổi biết yêu, em đã tha thứ và thậm chí còn đồng ý đi chơi chung với mẹ và người đàn ông ngoại quốc ấy. Cha em sống cô đơn suốt những năm tháng sau…
Hôm đó tôi chẳng kể gì về đời mình, thứ mà sau này em đã biết quá rõ và đã từng là một phần trong nó. Chúng tôi đi bộ đến rã rời đôi chân, rồi dừng lại trước một cây cầu sắt cũ. Gió chiều muộn dưới mặt sông thổi nhẹ, mang cảm giác lạnh như thể đã vào đông. Một chiếc thuyền rất to chở cát đang xuôi dòng băng qua ngay sát cái trụ giữa.
“Gần nhà anh cũng có một cây cầu, trước kia chỗ ấy là đò. Cô anh thường dẫn anh ra đó, ngồi cả buổi chiều trên sông vắng. Người chèo đò là bạn học của cô.”
“Hay nhỉ, một người đàn ông chở đò à?” Em giữ những lọn tóc đang bay che kín khuôn mặt.
“Ừ, chú ấy yêu cô anh, nhưng cô chỉ coi chú ấy như một người tri kỷ. Cô lấy một người đàn ông hơn mình mười lăm tuổi, rồi theo người đó vào Nam. Ở trong ấy cô phải lòng một người đàn ông khác khi đã có với chồng một em bé hai tuổi. Khi mọi chuyện vỡ lở, cô đã tự tử bằng thuốc trừ sâu. Người ta tìm thấy cô trong một vườn cà, cỏ dưới chân cô chết héo. Sau khi uống hết một chai wofatox, toàn bộ số thuốc trừ sâu và diệt cỏ còn lại cô dội hết lên người, ngần ấy đủ dùng cho một hecta vườn”
“Sao tình yêu lại đắng thế nhỉ…”
Chúng tôi ăn tối bằng vài bắp ngô nướng mua của một người bán rong bên đường, rồi lại đi bộ cho đến khi chuyến bus cuối cùng quay lại đón hai đứa ngược về nội thành. Tôi dẫn em qua quán cafe vắng khách của một người bạn thân, cậu bạn rót cho tôi một ly rượu anh đào, còn em một ly trà ngọt…
Ngõ nhà em tối và ẩm ướt, chỉ có mùa thu mới biết cách làm cho những lặng lẽ trở thành thứ không bao giờ quên được. Cái ngõ tối ấy tôi đưa em về cả trăm lần nữa. Nhưng mùa thu quá vụng về để có thể giữ được bình yên cho một con ngõ tối. Mà biết đâu bóng tối đã che đi những con đường khác trong đôi mắt em.
Tôi đứng hẳn vào bên trong cửa căn phòng tối tầng trệt bỏ trống nhà em. Mọi người trong nhà ở những tầng trên đã ngủ cả.
“Làm sao bây giờ?” – Em thầm thì. Làm sao bây giờ nhỉ? Tôi kéo em vào sát mình, cảm nhận từng nhịp thở không đều từ lồng ngực đầy đặn, ghì chặt như tìm lại một thứ đã đánh mất nhiều năm.
“Chạm răng và nghĩ vẫn tốt hơn” – Tôi run run trả lời. Sau cái hôn lặng lẽ là một cuộc tình dài.
Chúng tôi đã đi với nhau suốt những mùa sau đấy, cho đến tận khi một thứ ngu ngốc nào đó đã làm tan vỡ tất cả. Những thứ ngu ngốc thì làm gì có lý do tồn tại, vậy mà chúng mãi là gót chân Achilles của tôi.
Một cây cầu không thể thay thế một bến đò. Nó có thể dễ dàng đưa ta sang bên kia rồi quay về, nhưng không bao giờ cho ta nghe lại được tiếng sóng bàng bạc của buổi đò trưa. Tình yêu ra đi nơi này có thể quay lại ở một nơi khác, nhưng những xác xơ mà nó để lại còn nhiều hơn cả trăm ngàn cuống rạ của một cánh đồng chiều thu.
Tôi vẫn chờ đợi mãi một bàn tay có thể che cho mình gót chân Achilles trước những mũi tên buồn năm tháng.

(Tác giả: Bùi Sỹ Nguyên – FSOFT)

 

Bình luận về bài viết này